Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Giáo viên lại tất bật lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025

Share

Việc yêu cầu nhận xét ưu điểm, hạn chế của sách giáo khoa trên file PDF hoặc bản mẫu như hiện nay hoặc các năm học vừa qua chỉ ít mang lại hiệu quả thiết thực.

Những ngày còn đang nghỉ Tết Nguyên đán 2024, giáo viên chúng tôi đã nhận được email của cấp trên hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 tới đây với rất nhiều biểu mẫu khác nhau.

Điều này cũng đồng nghĩa, những ngày đầu tiên đi làm trở lại, các tổ chuyên sẽ phải triển khai việc cá nhân nhận xét; họp tổ chuyên môn nhận xét; bỏ phiếu lựa chọn và hoàn thiện hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025. Công việc này không mới bởi mấy năm nay giáo viên đều phải thực hiện nhưng nó mất khá nhiều thời gian của giáo viên, tổ chuyên môn và các nhà trường.

Cho dù việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 tới đây được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT với nhiều điểm mới so với các hướng dẫn trước đây nhưng có lẽ giờ đây mọi thứ gần như đã an bài và các nhà trường vẫn tiếp tục lựa chọn bộ sách đã và đang dạy từ nhiều năm trước.

GDVN-N.T.T 2.jpg
Giáo viên được yêu cầu nhận xét sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 (Ảnh: N.T.T)

4 năm học 3 lần thay đổi hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa

Thực tình, mỗi lần nhận được email hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tiếp theo, giáo viên chúng tôi thấy sợ, nhất là những thầy cô đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn đều ngao ngán với vô số những biểu mẫu mà cấp trên gửi về.

Tính đến lần lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 tới đây, giáo viên cấp tiểu học đã phải thực hiện nhận xét, họp bàn, bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa lần thứ 5; cấp trung học cơ sở là lần thứ tư và cấp trung học phổ thông cũng đã có 3 lần thực hiện.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước chính thức học sách giáo khoa mới, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, trong đó quy định quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các nhà trường.

Đến tháng 8-2020, chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố) tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, thay vì giao cho các nhà trường như năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới.

Tuy nhiên, theo kết luận của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chỉ ra: Quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT chưa chặt chẽ dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh…[1]

Sau 3 năm học lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, ngày 28/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT thay thế quy định cũ, trong đó điểm mới đáng chú ý sẽ được áp dụng để chọn sách từ năm học 2024-2025 là trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Vì thế, năm học 2024-2025 tới đây là năm cuốn chiếu cuối cùng của sách giáo khoa- chương trình 2018 đối với các cấp học phổ thông sẽ thuộc quyền của các nhà trường.

Trên danh nghĩa là vậy, về lý cũng là vậy nhưng thực tế giáo viên và các nhà trường sẽ rất khó lựa chọn lại bộ sách giáo khoa khác so với bộ sách mà các tổ chuyên môn của nhà trường đã và đang dạy ở những năm học vừa qua.

Chương trình 2006, sách giáo khoa là pháp lệnh và chỉ có 1 bộ sách giáo khoa dùng chung cho các nhà trường. Vì thế, việc kiểm tra, thi cử đều bám vào sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kĩ năng.

Chương trình 2018 đã có những thay đổi lớn, sách giáo khoa chỉ là học liệu, chương trình mới là pháp lệnh. Việc kiểm tra, thi cử đều phải bám vào “chương trình” nên suy cho cùng, dạy bộ sách giáo khoa nào không còn là điều quan trọng nữa.

Vậy nên, cho dù Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT đã trao lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường nhưng có lẽ sẽ rất hiếm tổ chuyên môn, nhà trường đi chọn 1 bộ sách giáo khoa khác so với các năm học trước.

Điều đơn giản là họ đã quen với bộ sách mà mình đang dạy từ nhiều năm qua; giáo viên đã đầu tư nhiều cho kế hoạch bài dạy (giáo án), sách tài liệu; nhà trường đã mua nhiều sách giáo khoa, tài liệu liên quan. Nếu trường nào chọn bộ sách mới là gần như phải bỏ đi để làm lại từ đầu.

Từ 12/2/2024, trường học có quyền chọn sách giáo khoa

Hơn nữa, cho dù sách giáo khoa nào cũng hướng đến “chương trình” nhưng mỗi bộ sách giáo khoa có một triết lí khác nhau; cách khai thác nội dung kiến thức cũng khác nhau.

Vì thế, chẳng có mấy trường đang dạy sách Kết nối tri thức với cuộc sống; hoặc Chân trời sáng tạo ở các lớp dưới mà đến lớp cuối cùng lại đi chọn sách giáo khoa Cánh Diều. Hoặc, đang dạy sách giáo khoa Cánh Diều ở các lớp dưới nhưng đến lớp cuối cấp lại chuyển sang dạy sách Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo vì các mạch kiến thức khác nhau.

Vậy nên, rất có thể Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT sẽ khó phát huy được hiệu quả và tạo ra những thay đổi đáng kể về việc lựa chọn sách giáo khoa ở các nhà trường cho năm học tới đây.

Giáo viên đã dạy đâu mà năm nào cũng yêu cầu nhận xét tất cả các bộ sách giáo khoa?

Theo các biểu mẫu mà cấp trên gửi về, giáo viên đều phải nhận xét ưu điểm, hạn chế của tất cả các bộ sách giáo khoa đối với môn học của mình đang dạy. Tuy nhiên, thời điểm này, gần như các trường chưa có sách mẫu mà phần lớn sách được các nhà xuất bản gửi file PDF qua các đường link.

Đa phần, mỗi môn học có 3 sách giáo khoa (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh Diều). Thậm chí, môn tiếng Anh ở các cấp phổ thông hiện nay có 9 sách giáo khoa; môn Mĩ thuật cấp trung học phổ thông có 11 cuốn sách giáo khoa.

Vì thế, môn ít cũng có vài trăm trang; môn nhiều có đến nghìn trang sách giáo khoa, giáo viên lấy đâu thời gian để đọc hết chừng ấy trang sách giáo khoa qua file PDF trên máy tính hoặc điện thoại?

Nhưng, dù có đọc qua sẽ có bao nhiêu giáo viên nhìn ra ưu điểm và hạn chế để nhận xét để nộp cho cấp trên?

Ngay cả đội ngũ thẩm định sách giáo khoa (9 người/ 1 sách giáo khoa) được nhà nước chi trả chế độ để thẩm định mà sách giáo khoa những năm qua vẫn còn có những sai sót, hạn chế thì việc yêu cầu giáo viên nhận xét tất cả các sách giáo khoa môn mình dạy cho từng năm học là việc làm có phần khiên cưỡng, gượng ép.

Thực tế, phải khi trực tiếp giảng dạy, nghiền ngẫm, giáo viên mới có thể phát hiện ra những ưu điểm, hạn chế của sách giáo khoa mà mình đang dạy. Việc yêu cầu nhận xét ưu điểm, hạn chế của sách giáo khoa trên file PDF hoặc bản mẫu như hiện nay hoặc các năm học vừa qua khó mang lại hiệu quả thiết thực.

Vì vậy, không ít bản nhận xét của giáo viên là được tải từ mạng internet về rồi chỉnh sửa và nộp lên cấp trên.

Thế nhưng, với những biểu mẫu mà cấp trên gửi về, bao gồm: phiếu nhận xét cá nhân; phiếu chọn sách; biên bản tổ chuyên môn; biên bản lựa chọn sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục và rất nhiều những hướng dẫn của cấp trên khiến cho nhiều thầy cô nản.

Bởi, giáo viên thì tuần nào cũng phải dạy theo số tiết định mức đã được quy định. Ngoài ra, còn phải tham gia họp hành; phong trào; bồi dưỡng; kiểm tra thường xuyên; kiểm tra định kỳ…thêm hoàn thiện hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa nữa quả là quá tải đối với họ.

Trong khi, năm học 2024-2025 đã là năm cuối cùng thực hiện chương trình 2018. Vì thế, theo quan điểm của người viết, nếu tổ nào, trường nào lựa chọn sách giáo khoa khác thì mới cần những thủ tục hành chính, nếu vẫn lựa chọn bộ sách cũ thì hiệu trưởng ra quyết định thông báo đến hội đồng sư phạm, học sinh, phụ huynh và công bố lên website của nhà trường. Đồng thời, báo cáo lên cấp trên là được.

Cần gì năm nào cũng yêu cầu giáo viên; tổ chuyên môn; nhà trường phải thực hiện qua rất nhiều bước với vô vàn những hồ sơ khác nhau nhưng cuối cùng vẫn chọn bộ sách đó cho các năm học tiếp theo?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/quy-dinh-ve-lua-chon-sach-giao-khoa-tao-ra-ke-ho-de-truc-loi-44972

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Read more

Local News